Bài tuyên truyền về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩmvà phòng tránh ngộ độc rượu Methanol trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Lượt xem: 70

Kính thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân!

Dịp Tết cổ truyền đang đến gần, thị trường cũng bắt đầu sôi động với nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ tết. Để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và để trọn niềm vui trong những ngày tết, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Như chúng ta đã biết một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, biến chất, bị nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh…

Để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu Methanol, bảo vệ sức khỏe cho toàn dân đón xuân mới được an toàn.

Trạm Y tế xã Hải Phong khuyến cáo một số nguyên tắc bảo quản, chế biến thực phẩm để nhân dân biết và phòng tránh ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu Methanol cụ thể như sau:

I. VỀ THỨC ĂN

Cần tuân thủ các nguyên tắc về bảo quản, chế biến thức ăn sau đây:

1. Lựa chọn thực phẩm tươi sạch.

2. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ rửa sạch các loại rau quả, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng.

3. Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong.

4. Che đậy bảo quản cận thận thức ăn đã nấu chín.

5. Đun kỹ thức ăn trước khi sử dụng lại (thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng).

6. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín.

7. Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến phải khô ráo gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh.

9. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, hỏng mốc, quá hạn.

10. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm.

11. Không sử dụng các sản phẩm có tẩm phẩm màu gây hại cho sức khỏe như: hạt dưa, ớt bột, mứt kẹo, thậm chí cả nước giải khát v.v... tất cả những loại thức ăn phổ biến này đều được nhuộm màu thực phẩm.

II. VỀ ĐỒ UỐNG:

               Rượu, bia, nước ngọt được xếp vào danh sách của các loại đồ uống được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày, là đồ khai vị, là chất kích thích tiêu hoá, nhất là trong các ngày lễ, tết, tiệc tùng… Do vậy, không thể phủ nhận tác dụng hiện hữu của rượu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều rượu sẽ gây tác hại khôn lường đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng.      

              Rượu có Methanol sau khi được đưa vào cơ thể, Methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Biểu hiện của nhiễm độc methanol xuất hiện sau 18 - 24 giờ sau khi uống phải hóa chất này, các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu: Buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, trụy tim mạch, ngừng tim và tử vong.

Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu vì mục đích lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người tiêu dùng, thường sử dụng cồn công nghiệp pha chế với nước để tạo thành rượu bán, uống ngay rất thuận tiện, giá thành rẻ, lãi cao. Vì vậy đã xảy ra không ít vụ ngộ độc gây chết người do uống rượu pha chế từ cồn có chứa Methanol.

               Đặc biệt là không tự mua thuốc bắc, hay sưu tầm cây, con, phủ tạng động vật... theo kinh nghiệm "truyền miệng" về ngâm rượu để uống nhằm tránh xảy ra ngộ độc.  Tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ như uống say hay quá say. Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.

 

Bs. Phạm Văn Lương

 





 



image advertisement

image advertisement


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1